Mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài

Mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài

Sức mạnh không tưởng của niềm tin

Niềm tin mạnh mẽ có thể giúp những người bình thường làm được những việc phi thường hoặc không tưởng. Ngược lại, niềm tin giới hạn có thể làm thui chột những con người tài năng nhất.

Niềm tin của bạn không chỉ ảnh hưởng đến hành động và kết quả bạn thu được, mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi họ tương tác với bạn. Là một người thầy, một bậc phụ huynh hay một ông chủ, niềm tin mà bạn có về học trò, con cái hoặc nhân viên của bạn sẽ ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với họ, cách họ đối xử ngược lại với bạn, và cuối cùng là cách họ hành xử.

Vấn nạn giáo dục luôn thường trực mỗi ngày xung quanh ta, về việc một đứa trẻ lớn lên khác biệt với những đứa trẻ đồng trang lứa, bị chính gia đình, thầy cô, những người kề cận có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Chính niềm tin của cha, mẹ gia đình, thầy cô điều hướng đứa trẻ đó trở thành tốt hay xấu.

HIỆU ỨNG PYGMALION

Bạn đã bao giờ nghe nói đến Hiệu ứng Pygmalion chưa?

Đây là một hiện tượng tâm lý được Robert Merton, giáo sư ngành Xã hội học tại trường Đại Học Columbia, trình bày lần đầu tiên vào năm 1957. Nội dung của hiệu ứng này là: niềm tin của bạn về người khác có thể biến thành sự thật.

Để chứng minh hiệu ứng này, các nhà nghiên cứu tập hợp một nhóm học sinh cá biệt, quậy phá, có chỉ số thông minh thấp vào một lớp học và giao cho một cô giáo giảng dạy vào đầu năm học mới. Tuy nhiên, họ lại nói với cô giáo rằng đây là lớp năng khiếu và những học sinh này học rất giỏi và thông minh.

Tất nhiên, khi cô giáo bắt đầu đứng lớp, những học sinh này lộ rõ ngay bản chất ngỗ nghịch và thái độ học hành tệ hại. Thế nhưng, vì tin rằng đây là những học sinh xuất sắc, cô nhận lãnh hết trách nhiệm về hành vi cư xử của học sinh. Cô cho rằng có lẽ là do kiến thức mà cô mang lại quá tầm thường, hay do cách dạy của cô quá nhàm chán, không đủ hứng thú để thu hút sự chú ý của những đứa trẻ ưu tú và đòi hỏi cao này.

Do đó, cô bắt đầu thay đổi và thử nghiệm các phương pháp dạy học tiên tiến, mới lạ. Cô động viên tinh thần học sinh nhiều hơn, khơi gợi trí tò mò của chúng về môn học, thử thách chúng bằng các trò chơi và hoạt động bổ ích, hết lòng tận tụy dạy dỗ chúng. Kết quả, cô càng đối xử với chúng như những học sinh năng khiếu bao nhiêu, chúng càng tỏ ra là những học sinh tài năng bấy nhiêu.

Thật bất ngờ! Vào cuối năm học, điểm số của các học sinh này tăng vọt và khi được kiểm tra, chỉ số thông minh của chúng tăng từ 20-30 điểm. Quả thật, cô giáo đã tạo ra những học sinh tài giỏi! (Vậy mà trong thực tế, có biết bao nhiêu học sinh bị cho là chậm tiêu hay học hành làng nhàng cứ mãi trượt dài chỉ vì thầy cô không biết cách dạy chúng.)

Câu chuyện thực tế của em họ tôi về niềm tin mãnh liệt của người mẹ

Từ cậu bé nghịch ngợm 12 năm học luôn bị thầy cô và nhà trường mời phụ huynh lên để bàn bạc về việc đuổi học. Tuy nhiên với tình yêu thương và niềm tin của người mẹ, người mẹ tin rằng với sự kiên trì và tử tế của mình mẹ sẽ đồng hành cùng con và dành hết thời gian dạy dỗ con trong vòng 12 năm chỉ cần con đậu hết cấp 3 là mẹ đã mãn nguyện và không có gì hối tiếc.

Và chính vì niềm tin của người mẹ mà cậu không những đậu cấp 3 mà còn thi đậu  trường đại học top khá ở tp HCM.

Bạn thấy không niềm tin vô cùng quan trọng nó không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh. Hãy thiết lập lại hệ thống niềm tin của mình.